Ở bài trước chúng ta đã phân tích những đặc điểm cơ bản cũng như ứng dụng của VTP, vậy làm thế nào mà VTP có thể hoạt động trong hệ thống?
Các bản tin VTP được gửi vào VTP domain cứ 5 phút một lần hoặc bất cứ khi nào có sự thay đổi trong cấu hình VLAN. Bản tin VTP có chứa số configuration revision, tên của các VLAN và số lượng VLAN, thông tin của các Switch có cổng được gán cho mỗi VLAN.
Đối với tất cả những Switch muốn tham gia VTP với hệ thống nó phải quan tâm đến 3 yếu tố sau:
+ Thông số Revision (số lần sửa đổi VLAN trong hệ thống).
+ VTP domain (miền VTP mà Switch tham gia).
+ VTP password (mật mã khi tham gia VTP).
Với VTP, chúng phải cấu hình VLAN ban đầu trên một Switch duy nhất, Switch này có vai trò quảng bá bất kỳ revison VLAN (khi ta xóa, sửa, hoặc tạo thì số revision sẽ tăng lên 1 đơn vị ). Quá trình quảng bá bắt đầu với thông số revision bằng 0, khi có sự thay đổi thông số này tăng lên 1 trước khi quảng bá ra ngoài. Switch có thông số Revision nhỏ hơn sẽ tiến hành cập nhật thông tin VLAN của Switch có thông số revision lớn hơn gửi đến nó, do đó trong một hệ thống ổn định thông số revision của tất cả các Switch sẽ bằng nhau, thông số này có giới hạn từ 0 đến 2^32.
Ngoài ra VTP còn quan tâm đến tham số khác đó là VTP domain, để các Switch khác nhận được cập nhật khi có sự thay đổi thì chúng phải có chung VTP domain (nếu ta đặt khác nhau thì các Switch sẽ không liên kết với nhau.Các thông tin này sẽ được gửi như địa chỉ quảng bá đến một địa chỉ MAC duy nhất mà các thiết bị Cisco tham gia vào VTP sẽ là 01-00-0C-CC- CC-CC.
VTP password: là một tham số xác thực giữa các Switch chạy VTP, nếu cấu hình thì tất cả phải giống nhau.
Tóm lại: Để hệ thống có thể chạy VTP thì các thông số VTP domain và VTP password phải giống nhau trên tất cả các Switch cấu hình VTP. Một trong những ưu điểm nổi bật của VTP là khả năng phân phối cấu hình các VLAN đến những Switch khác trong vùng, giúp đơn giản hóa quá trình xây dựng hệ thống.
Với VTP người quản trị không cần cấu hình nhiều lần trên nhiều Switch, việc cần làm chỉ là trên Switch có vai trò Server và sau đó VLAN sẽ tự động được phân phối trong toàn hệ thống, việc thay đổi thêm hay xóa một VLAN cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên khi quyết định sử dụng VTP người quản trị mạng cần nắm rõ hệ thống của mình, nếu không điều đáng tiếc có thể sảy ra dẫn đến thay đổi toàn bộ hệ thống.
Sau đây là một ví dụ: Một hệ thống mạng trường PTIT đang chạy VTP, với các VLAN 1, 10, 20, 30, Trong đó VLAN 1 là VLAN mặc định còn các VLAN còn lại được gắn với các phòng ban. Giả sử thông số revision lúc này của hệ thống là 5. Một ngày nào đó người quản trị vô tình gắn thêm một Switch khác vào hệ thống. Thật không may thiết bị này cũng đang được cấu hình chạy VTP có cùng VTP domain và password, nếu thông số revision của Switch này lớn hơn 5, khi đó toàn bộ hệ thống sẽ cập nhật lại thông tin VLAN được cấu hình trên Switch mới. Điều này có thể làm cho hệ thống có thể bị lỗi nghiêm trọng.
Vũ Trường Sơn – VnPro