1. “Bụi phấn” (nhạc: Vũ Hoàng, thơ: Lê Văn Lộc)“… Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào, vương trên tóc thầy
Em yêu phút giây này, thầy em tóc như bạc thêm
Bạc thêm vì bụi phấn, cho em bài học hay…”
Bụi phấn có lẽ là ca khúc kinh điển nhất về người thầy mà bất kỳ ai khi còn đi học cũng đều thuộc lòng. Được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Lê Văn Lộc, Bụi phấn nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Lời ca tuy ngắn ngủi nhưng mỗi khi những giai điệu da diết ấy vang lên, người nghe như cảm thấy bùi ngùi, xúc động khi nhớ về người thầy, người cô – những người đã tận tâm dạy dỗ và đem đến cho chúng ta những bài học tri thức lẫn cuộc sống vô cùng quý giá từ “tuổi còn thơ”. Hình ảnh bụi phấn vương trên mái tóc người thầy là một hình ảnh đẹp mà không một người học trò nào có thể quên được. (Nghe bài hát)
2. “Nhớ ơn thầy cô” (nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện)
“… Về lại trường xưa với bao kỷ niệm
Bóng dáng cô thầy vấn vương không rời
Một thời tuổi thơ trôi theo cánh phượng
Lời thầy cô vọng mãi…”
Một ca khúc sôi động, trẻ trung mang đậm phong cách tuổi học trò của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Nhớ ơn thầy cô kể về chuyến thăm lại trường xưa với biết bao ký ức, kỷ niệm về hình bóng thầy cô giáo của những thế hệ học trò cũ. Sau này khi đã lớn khôn và bay đi khắp phương trời, nhiều người trong chúng ta mới thực sự cảm thấy thía thía những lời dạy bảo của thầy cô năm xưa. Những lời dạy ấy chính là hành trang theo mỗi người học trò trên chặng đường đi tìm kiếm sự trưởng thành trong cuộc đời. Mang những giai điệu trong sáng, rộn ràng, Nhớ ơn thầy cô được lứa tuổi học trò qua rất nhiều thế hệ yêu mến và thường xuyên được ngân vang trong các buổi biểu diễn văn nghệ. (Nghe bài hát)
Thầy cô dìu dắt học trò từ những nét chữ đầu tiên.
3. “Đi học” (nhạc: Bùi Đình Thảo, thơ: Minh Chính)
“… Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay
Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi…”
Những ai từng có quãng thời gian cắp sách đến trường chắc hẳn đều quen thuộc với bài thơ nổi tiếng có tên Đi học được trích trong sách giáo khoa lớp 1. Đi học được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc với giai điệu rất đầm ấm và tình cảm. Ca khúc này đã in sâu trong ký ức của rất nhiều thế hệ học trò Việt Nam.
Đi học – hai từ thân thương biết nhường nào gợi nhớ về khoảng thời gian ngọt ngào và tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Giờ đây cho dù vẫn còn được đi học hay đã rời xa mái trường nhưng mỗi khi câu hát “cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi” vang lên, mỗi chúng ta đều cảm thấy trong lòng trào dâng một nỗi nghẹn ngào, xúc động. (Nghe bài hát)
4. “Kỷ niệm mái trường” (nhạc và lời: Minh Phương)
“… Ngày bé thơ còn nhớ
Ta dắt tay nhau tới trường
Vào trong lớp học mến thương bạn bè
Thầy cô thân yêu bao kỷ niệm, giờ đã qua…”
Là một sáng tác của nhạc sĩ trẻ Minh Phương, Kỷ niệm mái trường từng giành giải nhất trong cuộc thi Tuổi đời mênh mông vào năm 2001. Lời ca của bài hát này là tâm sự của học sinh cuối cấp trong những năm tháng cuối cùng khi còn bên nhau dưới một mái trường. Bao kỷ niệm từ ngày đầu tiên tới lớp với những tình cảm thân thương của bạn bè, thầy cô giờ đã sắp trở thành quá khứ. Mai đây tất cả rồi sẽ trưởng thành và có những cuộc sống khác nhau, nhưng những ký ức tươi đẹp về mái trường, về thầy cô, về bạn bè sẽ mãi không thể phai nhòa. Kỷ niệm mái trường do chính tác giả trẻ Minh Phương thể hiện cùng Thùy Chi – nữ ca sĩ trẻ rất được yêu thích trên Internet. (Nghe bài hát)
5. “Khi tóc thầy bạc trắng” (nhạc và lời: Trần Đức)
“… Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh
Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi
Thời gian trôi mau, Cầu Kiều thầy đưa qua sông
Tuổi ấu thơ như hoa nở dưới mái trường…”
Hình ảnh người thầy giáo đã xuất hiện trong vô vàn bài hát trữ tình của Việt Nam biết bao nhiêu năm qua, từ Bụi phấn (Vũ Hoàng), Người thầy (Nguyễn Nhất Huy) đến Khoảng lặng phía sau thầy (Nguyễn Ngọc Thiện), Những điều thầy chưa kể (Trần Thanh Sơn)… Nhưng có lẽ hình ảnh người thầy hiện lên chân nhật nhất, thân thương nhất là trong Khi tóc thầy bạc trắng của nhạc sĩ Trần Đức.
Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người thầy. (Nghe bài hát)
6. “Những nụ cười trở lại” (nhạc và lời: Xuân Nghĩa)
“… Trường yêu hỡi chúng tôi về đây
Nhìn tôi xem giờ nay khác xưa rồi
Ngày nào rời trường mặc thêm áo mới
Mà gặp lại trường vẫn như xưa…”
Hầu như ai cũng có một thời cắp sách đến trường với bao mộng mơ, tinh nghịch và ngây ngô của tuổi học trò. Đến khi ra trường, những kỷ niệm về thầy cô, bạn bè và trường lớp mãi in sâu trong tâm trí của mỗi người. Thời gian trôi qua, 10 năm sau, vào một ngày tình cờ, những người học trò cũ quay trở lại mái trường xưa yêu dấu. Biết bao ký ức thân thuộc bỗng tràn về: những lần quên bút, quên bài, những tiếng bạn bè gọi nhau khi tan học, lời thầy cô giảng bài năm xưa… Với những ca từ hồn nhiên, dễ thương và giai điệu nồng nàn, Những nụ cười trở lại của nhạc sĩ Xuân Nghĩa đã đem đến cho người nghe những hình ảnh, những xúc cảm thân thương nhất về lứa tuổi học trò. (Nghe bài hát)
Những phút giây hồn nhiên, vui vẻ dưới mái trường.
7. “Mái trường mến yêu” (nhạc và lời: Lê Quốc Thắng)
“… Ôi hàng cây xanh thắm dưới mái trường mến yêu
Có loài chim đang hót âm thầm tựa như nói
Vì hạnh phúc tuổi thơ, cho đời thêm sức sống
Thầy dìu dắt chúng em với tấm lòng thiết tha…”
Mái trường mến yêu là một ca khúc dành cho lứa tuổi học trò đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ Việt Nam. Con người ai cũng có những kỷ niệm, dù là vui hay buồn, nhưng có lẽ những kỷ niệm về mái trường, về thầy cô, bạn bè luôn luôn êm đềm và khó quên nhất. Những tháng ngày ngây thơ, hồn nhiên với bao ước mơ, hoài bão của một thời tuổi trẻ luôn để lại trong mỗi người ấn tượng sâu đậm. Ca khúc Mái trường mến yêu đã vẽ nên một bức tranh ký ức với “hàng cây xanh thắm dưới mái trường”, “giọt sương long lanh vẫn còn đọng trên lá”, “khúc nhạc dịu êm” và đặc biệt là ở đó có một người thầy giáo tận tâm luôn trìu mến và hết lòng với những người học trò tinh nghịch. (Nghe bài hát)
8. “Con đường đến trường” (nhạc và lời: Phạm Đăng Khương)
“… Một chiều đi trên con đường này
Hoa điệp vàng trải dưới chân tôi
Ngập ngừng trong tôi như thầm hỏi
Đường về trường ôi sao lạ quá…”
Nỗi niềm được thể hiện trong ca khúc Con đường đến trường của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương là nỗi nhớ da diết về mái trường xưa trong tâm trí một người học trò đã trưởng thành. Một lần tình cờ, người học trò ấy đi trên con đường quen thuộc đến trường năm xưa và những kỷ niệm cũ bỗng dưng ùa về. Đó là nỗi nhớ về những người bạn cũ, là nỗi nhớ về những lời dạy bảo của thầy cô, là nỗi nhớ về những mùa thi “ghi dấu trong cuộc đời”. Cuộc sống là không ngừng phấn đấu và vươn tới tương lai, nhưng cũng có lúc chúng ta cần dành những khoảng thời gian dù chỉ là ngắn ngủi để hoài niệm về quá khứ, về những kỷ niệm êm đẹp của một thời tuổi trẻ mà sẽ chẳng bao giờ có lại được. (Nghe bài hát)
9. “Ngày đầu tiên đi học” (nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện, thơ: Viễn Phương)
“… Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường
Em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương
Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa
Cô vỗ về an ủi. Chao ôi! Sao thiết tha!…”
Ai cũng từng trải qua “ngày đầu tiên đi học” với rất nhiều xúc cảm khác nhau, từ háo hức, vui mừng đến lo lắng, hồi hộp. Đi học – đó là lúc những đứa trẻ được tiếp cận một thế giới mới mà ở đó có những thứ gọi là kiến thức, có những người bạn cùng lớp vui vẻ và đặc biệt là có cô giáo với nụ cười hiền từ. Ngày đầu tiên được đi học là khoảnh khắc đặc biệt, thiêng liêng đối với riêng mỗi người mà không ai có thể quên được. Đó cũng là những giây phút để lại ấn tượng sâu sắc với những ông bố, bà mẹ khi chứng kiến đứa con bé bỏng của mình tự đi những bước đầu tiên trong cuộc sống. Thời khắc ấy đã được diễn tả thật ý nghĩa qua những ca từ của bài hát Ngày đầu tiên đi học do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Viễn Phương. (Nghe bài hát)
Giọt mồ hôi lăn trên má cậu học trò nhỏ trong những ngày đầu tiên đi học.
10. “Mong ước kỷ niệm xưa” (nhạc và lời: Xuân Phương)
“… Thời gian trôi qua mau, chỉ còn lại những kỷ niệm
Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô
Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn
Để rồi mai chia xa, lòng chợt dâng niềm thiết tha
Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa…”
Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Xin hãy tin em của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Mong ước kỷ niệm xưa nhanh chóng được đông đảo khán giả yêu nhạc Việt Nam đón nhận. Cho đến nay, Mong ước kỷ niệm xưa đã trở thành nhạc phẩm bất hủ và nổi tiếng nhất dành cho giới học sinh sinh viên Việt Nam. Lời ca đầy ý nghĩa về những năm tháng cắp sách đến trường luôn đem đến cho người nghe sự xúc động mạnh mẽ và cảm giác bồi hồi, nghẹn ngào mỗi khi câu hát “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại” được ngân vang.
Hãy biết trân trọng những tháng ngày được sống cùng bạn bè, thầy cô dưới mái trường bởi đó là khoảng thời gian đẹp nhất, thân thương nhất mà khi trưởng thành, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể tìm lại được. Mong ước kỷ niệm xưa là một trong những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Xuân Phương và là ca khúc gắn liền với tên tuổi của Tam ca 3A. (Nghe bài hát)